Thời gian qua, huyện Mường La tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đạt kết quả tích cực, qua đó góp phần tạo chuyển biến về công tác chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phát triển nhanh, bền vững.
Hiện nay công tác chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Mường La đã và đang được thực hiện một cách nghiêm túc. Điểm nổi bật đó là đã thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Đây được xem là yếu tố then chốt để đẩy nhanh các bước trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, việc ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số được thực hiện một cách đồng bộ đã và đang tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương hướng đến xây dựng một chính quyền hiện đại; đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như quảng bá hình ảnh, sản phẩm của địa phương. Huyện quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, trong 9 tháng đầu năm 2024, Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục triển khai các nền tảng số và hệ thống thông tin dùng chung như: 93 đơn vị sử dụng Hệ thống quản lý văn bản điều hành ; cấp trên 375 chứng thư số ký số văn bản do Ban cơ yếu Chính phủ; đã thực hiện ký số 20.822/22.552 văn bản, đạt 92,3%; phát triển hệ thống thông tin báo cáo có 3 báo cáo Chính phủ và 11 báo cáo tỉnh; Hệ thống phòng họp không giấy tờ có trên 150 tài khoản đã tổ chức 21 cuộc họp; Đẩy mạnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, trong 9 tháng có 7.462/8.843 hồ sơ giải quyết trực tuyến, đạt 84,4%.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng công nghệ số đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; ứng dụng nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đã phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; tăng cường hoạt động kinh doanh qua mạng, phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của huyện. Huyện đang phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho 04 Hợp tác xã trên địa bàn huyện gồm HTX Đoàn Kết, HTX Hưng Thịnh, HTX Nông nghiệp Mường Bú, HTX Nông nghiệp Chiềng Lao, hiện nay đã có 09 sản phẩm OCOP được đăng tải lên sàn thương mại điện tử Sanviet, 06 sản phẩm được đăng tải lên sàn buudien.vn qua đó mở rộng quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương, xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm.
Triển khai toàn diện việc phát triển kinh tế số, huyện tập trung chỉ đạo triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, 9 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng BIDV đã mở mới 2.712 thẻ ATM, mở mới 355 mã QR ngân hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt: 13.766.360 lượt, số tiền 83,31 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng Agribank đã mở mới 1.658 thẻ ATM, mở mới 185 mã QR ngân hàng; Thanh toán không dùng tiền mặt: 392.508 lượt, số tiền 1,574 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh xây dựng chính quyền số, chính quyền cơ sở cũng tập trung thực hiện tiêu chí xã hội số với các lĩnh vực Y tế, Giáo dục và An ninh trật tự. Tại các trường học tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng phần mềm Vnedu để quản lý học sinh, thông tin qua các nhóm zalo giúp hỗ trợ giáo viên, phụ huynh học sinh cập nhật thông tin, tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học tại 5 xã: Mường Bú, Ít Ong, Mường Chùm, Chiềng Lao, Ngọc Chiến. Thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng cho 1.423/3.402 đối tượng, đạt 41,8%.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện, hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số theo lộ trình đề ra, huyện Mường La đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác các dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân ứng dụng chuyển đổi số trong mọi mặt của cuộc sống. Phối hợp với các ngân hàng, đơn vị viễn thông hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng, cài đặt ví điện tử phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm là thế mạnh của huyện lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện trong thời gian tới./.