Huyện Mường La là huyện miền núi của Sơn La, cách Thành phố Sơn La 41 km về phía Đông Bắc.

Phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, và huyện Bắc Yên của tỉnh Sơn La;
Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Quỳnh Nhai và huyện Thuận Châu;
Phía Nam giáp huyện Mai Sơn và Thành phố Sơn La.
Huyện Mường La nằm ở độ cao trung bình từ 500- 700m so với mặt nước biển, phía Đông và phía Đông Bắc của huyện là những dãy núi cao, địa hình thấp dần về phía Nam và dọc theo 2 bờ sông Đà. Trên địa bàn có sông Đà và 5 con suối lớn là suối Nậm Mu, Nậm Chiến, Nậm Trai, Nậm Pàn, Nậm Pia chảy qua.
+ Tổng diện tích (ha): 142.535,94
+ Đất Nông nghiệp (ha): 21.007,51
+ Đất Lâm nghiệp (ha): 76.527,26
+ Đất chưa khai thác (ha): 36.276,50
Đơn vị hành chính:
Toàn huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn là thị trấn Ít Ong và các xã: Chiềng Hoa, Tạ Bú, Mường Chùm, Chiềng San, Nậm Păm, Pi Toong, Mường Bú, Hua Trai, Chiềng Lao, Nậm Giôn, Mường Trai, Chiềng Muôn, Chiềng Ân, Chiềng Công, Ngọc Chiến.
Trong đó có 9 xã thuộc diện xã ĐBKK nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II là các xã: Chiềng Lao, Nậm Giôn, Mường Trai, Chiềng Muôn, Chiềng Ân, Chiềng Công, Ngọc Chiến. 
Dân số - Dân tộc:

Tổng số hộ là 21.795 hộ với 97.720 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo là 7.754 hộ chiếm 35,6 %; hộ cận nghèo 2.780 hộ, chiếm 12,32 % (Số hộ nghèo, cận nghèo điều tra năm 2018) gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống: dân tộc Thái, Kinh, Mông, La ha, Kháng và một số dân tộc khác.

Lịch sử:

Sau năm 1954, huyện Mường La có thị trấn Chiềng Lề và 25 xã: Chiềng An, Chiềng Ân, Chiềng Cọ, Chiềng Cơi, Chiềng Công, Chiềng Đen, Chiềng Hoa, Chiềng Lào, Chiềng Muôn, Chiềng Ngần, Chiềng San, Chiềng Sinh, Chiềng Sung, Chiềng Xôm, Hua La, Ít Ong, Mường Bằng, Mường Bú, Mường Chum, Mường Trai, Nậm Giôn, Nậm Păm, Ngọc Chiến, Pi Toong, Tạ Bú.

Ngày 26 tháng 10 năm 1961, tách thị trấn Chiềng Lề, xã Chiềng Cơi, bản Hò Hẹo và bản Lầu của xã Chiềng An để thành lập thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La).

Ngày 16 tháng 01 năm 1979, chia xã Mường Trai thành hai xã lấy tên là xã Hua Trai và xã Mường Trai.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, sáp nhập 2 xã Chiềng Sung và Mường Bằng vào huyện Mai Sơn; sáp nhập 7 xã: Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Sinh, Chiềng Ngần và Hua La vào thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La).

Ngày 08 tháng 01 năm 2007, chuyển xã Ít Ong thành thị trấn Ít Ong (thị trấn huyện lị huyện Mường La).

 

Di tích, thắng cảnh

 

Hồ thủy điện Sơn La.

Điểm đầu tiên trong hành trình du ngoạn Mường La xuất phát từ đập công trình thủy điện Sơn La. Chiếc tàu rẽ sóng, rời bến Nghiêng, không còn phải vượt ghềnh thác, các cửa tử, cửa sinh như “người lái đò sông Đà” năm xưa của Nguyễn Tuân, bởi từ ngày xây dựng đập thủy điện thì thượng nguồn sông Đà không còn hung dữ nữa mà trở thành vùng nước hiền hòa, mênh mang với khung cảnh kỳ vỹ. 

 

 Đập thủy điện Sơn La.

Vẻ đẹp thiên nhiên của lòng hồ được ví như một bức tranh thủy mặc vô cùng sống động với nhiều đảo núi nhấp nhô. Có chỗ thì quây quần, tụ lại xúm xít chen chân, có chỗ lại tách rời riêng biệt tạo những nét chấm phá cực kỳ tài nghệ. Chiều ngang rộng nhất của lòng hồ có chỗ rộng hơn cả 10km.

Cùng với tiềm năng du lịch thủy điện, du thuyền trên lòng hồ sông Đà, Mường La còn là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn từ các di tích lịch sử đồn Pom Páp (thị trấn Ít Ong), đồn Mường Chiến (Ngọc Chiến), di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Hua Bó (Mường Bú). Và hành trình đến với di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong) mang lại cho du khách nhiều điều lý thú.

Hang Co Noong (còn gọi là hang Con Moong) nằm ở hướng Tây Bắc huyện Mường La, trên dãy núi trùng điệp nhấp nhô uốn mình tạo thành 7 khúc, cửa chính của hang quay về hướng Đông Tây nhìn xuống Sông Đà và có một cửa nhỏ quay về phía Tây Bắc.

Từ bờ Sông Đà đi lên dốc thoải, qua một khu rừng già khoảng 200m là tới cửa hang, đứng tại cửa hang với độ cao ở đây ra sẽ quan sát được một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ. Nhìn hướng nào cũng thấy một bức tranh toàn bích hiện ra: Phía xa là một ngọn núi hình con rồng uốn mình theo Sông Đà; Phía dưới chân núi là dòng sông Đà xanh biếc hòa cùng cảnh sông, núi, mây, trời càng khiến vẻ đẹp ở nơi đây thêm lộng lẫy.


Cửa hang Con Moong.

Cửa hang chính quay về hướng Đông - Tây, cửa có độ rộng 15m, cao 7m ở giữa có hòn đá to chắn tạo thành 2 ngách cửa. Khi bước vào trong lòng hang ta sửng sốt thấy cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Lòng hang có hình tròn như một tổ ong, vòm hang cao tới 20m, trần hang có đủ mọi hình dáng và kích thước của các thạch nhũ, ở giữa có thạch nhũ hình tổ ong lớn, xung quanh có những thạch nhũ nhỏ như những con ong lấm tấm đang miệt mài xây tổ. Khối nhũ đá hình tổ ong có những thạch nhũ với hình dáng uốn lượn, nhấp nhô, mềm mại tựa như những đám mây đang bay trên bầu trời và những bức phù điêu bằng thạch nhũ được trang trí trên vòm hang tuyệt đẹp như những tác phẩm điêu khắc được tạc bằng đôi bàn tay mầu nhiệm của một nhà điêu khắc thiên tài.
 

Lễ hạn Khuống.

Bên cạnh đó, các khu du lịch sinh thái như: Vườn cây cao su tổ Phiêng Tìn, suối nước nóng bản Ít (thị trấn Ít Ong), du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Thái có các lễ hội văn hoá truyền thống như: Lễ hạn Khuống, lễ hội Khắp Then, lễ hội Mừng cơm mới... cũng chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ- du lịch. Về với Mường La, du khách còn có thể tận hưởng khí hậu mát mẻ của vùng cao Tây Bắc, cùng hòa mình trong dòng suối nóng của bản Lướt (Ngọc Chiến). Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo trên cánh đồng Mường Chiến, cùng nhau theo vòng quay của điệu xòe, ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.

 

Bản người Thái tái định cư.

Du khách cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây và để được một lần là người dân tộc Thái. 

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập