Đề án vị trí việc làm bảo đảm sát thực, hiệu quả
Xây dựng Đề án vị trí việc làm là công việc khó, nhưng có vai trò quan trọng giúp cơ quan, tổ chức đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức từ khâu tuyển dụng, quản lý, bố trí sử dụng, đánh giá đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.

    Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức; Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kịp thời lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu triển khai thực hiện xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

    Tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, tập huấn kỹ năng xây dựng Đề án vị trí việc làm cho lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ đầu mối phụ trách công tác cán bộ của các đơn vị. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong quá trình xây dựng đề án nắm được yêu cầu, cách thức xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức, bảo đảm phù hợp chức năng, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc của từng đơn vị gắn với việc thực hiện mục tiêu cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ.

    Sở Nội vụ đã thẩm định theo các nội dung quy định, bao gồm hồ sơ xây dựng đề án, sự cần thiết, cơ sở pháp lý của việc xây dựng đề án, danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực phù hợp. Trên cơ sở kết quả thẩm định đề án của các đơn vị, Sở Nội vụ có văn bản thẩm định gửi đến các đơn vị, tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm; đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định và phê duyệt.

    Từ năm 2022, UBND tỉnh thực hiện phê duyệt, điều chỉnh 17 đề án vị trí việc làm của các cơ quan, địa phương, đơn vị có thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy hoặc điều chỉnh bản mô tả, khung năng lực của các vị trí việc làm. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phê duyệt 100% đề án vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; 100% các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đã triển khai xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm tại đơn vị theo phân cấp và thực hiện việc bố trí số lượng người làm việc theo yêu cầu của vị trí việc làm... Trong năm 2023, sau khi có Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, Sở Nội vụ tiếp tục trình UBND tỉnh thực hiện phê duyệt, điều chỉnh 2 đề án vị trí việc làm của Trung tâm lưu trữ lịch sử và Trường cao đẳng Sơn La.

    Trung tâm Lưu trữ lịch sử là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ có chức năng thực hiện các hoạt động sự nghiệp về lĩnh vực lưu trữ theo quy định của pháp luật: Sưu tầm, thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, thống kê, bảo vệ, bảo quản tài liệu; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tài liệu; tổ chức phục vụ khai thác sử dụng tài liệu, giải mật tài liệu...

    Bà Khổng Thị Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Với 10 viên chức, Trung tâm thực hiện tự chủ tài chính một phần chi thường xuyên. So với các quy định hiện hành, Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Lưu trữ lịch sử không còn phù hợp. Do vậy, Trung tâm xây dựng Đề án vị trí việc làm trên cơ sở các quy định mới và được UBND tỉnh thực hiện phê duyệt. Cụ thể, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực phù hợp của các vị trí việc làm lãnh đạo quản lý, nhóm công việc chuyên ngành, vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ với các chức danh nghề nghiệp viên chức hạng III, hạng IV; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm.

    Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chia sẻ: Đề án giúp thủ trưởng các đơn vị tiến hành rà soát, kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ viên chức theo vị trí việc làm. UBND tỉnh thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với các nhiệm vụ, công việc được mô tả, tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác theo yêu cầu, đảm bảo bài bản, chặt chẽ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, là căn cứ phân bổ biên chế hợp lý, khách quan, phù hợp nhu cầu thực tiễn.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Việc giao chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc mỗi cơ quan, tổ chức được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức; theo yêu cầu tinh giản biên chế như hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo biên chế theo vị trí việc làm đã được phê duyệt do có không ít đơn vị, tâm lý muốn tăng thêm hoặc giữ nguyên biên chế nên chưa mô tả hết thực chất tính chất công việc từng vị trí việc làm...

    Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ đôn đốc các cơ quan, đơn vị, thẩm định và phê duyệt Đề án vị trí việc làm theo phân cấp, ủy quyền, đảm bảo đúng tiến độ; gắn việc phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với kết quả sản phẩm đầu ra và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Nguồn: Báo Sơn La

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập