Mường Trai mùa nước cạn
Cũng như nhiều xã khác nằm ở khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La, hơn một tháng nay, mực nước hồ xuống thấp khiến đời sống của nhân dân ở các bản Phiêng Xe, Bó Ban… xã Mường Trai (Mường La) gặp nhiều khó khăn. Những bãi bồi cạn khô, nứt nẻ, hàng chục chiếc thuyền nằm phơi mình trên bờ sông; nhiều lồng cá phải di chuyển ra xa bờ hàng trăm mét...



Hồ sông Đà khu vực bản Phiêng Xe, Bó Ban nước rút sâu hàng chục mét.


Theo những người dân sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà, thì mùa nước cạn thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm. Đây là thời điểm nắng nóng kéo dài, khiến mực nước rút sâu, nhưng nước sông rút nhanh và sâu như năm nay thì là lần thứ 2 trong gần 10 năm trở lại đây. Ngôi nhà nổi của HTX nhà nổi Mường Trai hiện cũng phải di chuyển ra xa hàng chục mét so với địa điểm cũ; vắng khách, gian chính trưng bày hiện vật, sản phẩm văn hóa địa phương và đồ mây tre truyền thống, tiếp đón du khách thưởng thức ẩm thực giờ dùng làm nơi cất giữ đồ. Quản lý khu nhà nổi, anh Lò Văn Long cho biết: Khu nhà nổi rộng gần 130 m2, là nơi HTX đón tiếp khách du lịch, tổ chức giao lưu văn nghệ, thưởng thức ẩm thực. Ngoài ra, HTX còn liên kết tổ chức tour du lịch lòng hồ bằng các loại tàu, thuyền. Mùa nước nổi, bình quân mỗi tháng HTX đón vài chục đoàn khách tới thăm quan, trải nghiệm nhưng hơn 1 tuần nay do nước sông rút sâu, khu nhà nổi phải di chuyển ra xa bờ không có điện, nước, nên tạm dừng đón khách, khiến HTX mất đi khoản thu nhập không nhỏ.


Chúng tôi theo ông Lò Văn Tiệp, bản Phiêng Xe ra khu lồng nuôi cá của các hộ trong bản vừa phải di chuyển ra gần giữa sông. Ông Tiệp bảo: Mùa nước nổi, những lồng cá này đặt cách đây gần 1 km, nhưng gần một tháng nay, chúng tôi đã phải di chuyển 6, 7 lần. Mỗi lần di chuyển đến chỗ mới, cá lại bỏ ăn, nhanh cũng phải sau 3 ngày, có khi 5 đến 7 ngày mới ăn lại, không những chi phí tăng mà cá lại chậm lớn. Hôm trước, trong khi chuyển 4 lồng cá, không may 1 chiếc lồng mắc vào vật nhọn kéo rách lưới, hơn 1 tạ cá trắm sắp đến ngày thu hoạch bị mất sạch, thiệt hại hơn 10 triệu đồng.


Xã Mường Trai cách trung tâm huyện Mường La khoảng 18 km, xã có 10 bản, với 523 hộ đồng bào dân tộc Thái, La Ha cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 91%. Sau khi thủy điện Sơn La tích nước, xã đã đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng kết hợp du lịch trải nghiệm lòng hồ. Đến nay, Mường Trai có 70 hộ nuôi cá lồng, 1 HTX nuôi trồng thủy sản và 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng, với tổng số 260 lồng, nuôi các giống cá chủ yếu như: Chép, trắm, rô phi, lăng, chày, quất, nheo, diêu hồng... mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm các loại. Tính riêng năm 2018, sản lượng cá của Mường Trai đạt trên 90 tấn, doanh thu gần 6,5 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn lên 19 triệu đồng và giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 24,5%. Ông Lò Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Vào mùa hồ thủy điện Sơn La tích nước, việc nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản cũng như giao thông đi lại rất thuận lợi. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, nước rút sâu, lòng hồ bị thu hẹp, nước đục, cá kém ăn, lồng cá phải di chuyển liên tục đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đàn cá. Bên cạnh đó, đường xuống bến cũng bị bùn lầy, nhiều thuyền mắc cạn, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của của người dân gặp nhiều khó khăn.  


Được biết, thời điểm này, xã Mường Trai không phải là địa phương duy nhất thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La chịu ảnh hưởng bởi mực nước sông Đà rút sâu. Hy vọng, những khó khăn, vất vả mùa nước cạn của bà con sẽ sớm kết thúc khi những trận mưa đầu mùa đã xuất hiện.

Minh Thu
(Theo baosonla.org.vn)

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập