Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh nói chung, tại huyện Mường La nói riêng đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình như hỗ trợ, giúp đỡ về cây con giống, về vốn vay ưu đãi... Nhiều chị em đã tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

Gia đình chị Quàng Thị Dom trước đây là hộ nghèo trong bản. Nhiều năm gắn bó với nương rẫy, đồng ruộng nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2017 chị quyết định vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và 20 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm phụ nữ để đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Từ chỗ chỉ có 15 con dê lúc ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình chị Dom đã phát triển lên tới 60 con.
Chị Quàng Thị Dom – Bản Nhạp, Chiềng Lao, Mường La cho biết:" Nuôi dê so với làm nương rẫy thì hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập cao hơn, từ ngày nuôi dê gia đình thôi có tiền trang trải cuộc sống. Trước đây trồng ngô, trồng sắn thì đến mùa thu mới có tiền, lúc mình làm đất cần tiền thì không có, thu nhập sau khi trừ tiền phân bón, giống má thì không được nhiều".

anh tin bai

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình chị Quàng Thị Dom bản Nhạp, xã Chiềng Lao, huyện Mường La.

 
Thời điểm chúng tôi ghi hình phóng sự này chị Dom vừa mới xuất chuồng 10 con dê, với giá 120.000 đồng/kg. Chị Dom cho biết: nuôi dê nhốt chuồng vừa tiết kiệm thời gian, công sức, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Trung bình mỗi năm chị xuất chuồng 2 lứa, tương ứng 50-60 con. Sau 5 năm chuyển đổi cách làm, chị đã trả được 1/2 số vốn vay ban đầu và duy trì đàn dê từ 40-50 con. Gia đình chị cũng đã thoát cảnh đói nghèo và tự gây dựng lên ngôi nhà khang trang như hiện nay. Thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường La đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội linh hoạt cách thức triển khai. Dựa trên các điều kiện sẵn có tại địa phương, các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động chị em phát triển các mô hình kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó chú trọng phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ hội viên phụ nữ.

Chị Quàng Thị Liên – Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Lao, Mường La cho biết: " Chúng tôi phát động các chi hội gửi tiết kiệm, số tiền đó để cho phụ nữ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi, đối với hội viên có nhu cầu làm thì vay 30-50 triệu. Đối với Chiềng Lao thì có các mô hình như nuôi cá lồng, nuôi bò, nuôi dê nhốt chuồng, 1 số chị em đã thoát nghèo nhờ mô hình kinh tế này".

Với đặc trưng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều huyện Mường La thích hợp phát triển các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, vải. Từ nhiều năm nay, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng tuyên truyền, vận động chị em phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cho cây ngô, cây sắn. Đến nay, tại nhiều địa phương mô hình này đã được chị em phát triển rộng rãi. Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình chị Quàng Thị Buông là 1 ví dụ. Trên diện tích 3 ha đất đồi, những năm trước đây gia đình chị trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2017, gia đình chị đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng mô hình chuyên canh cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, bước đầu mang lại tín hiệu khả quan.
Chị Quàng Thị Buông – Bản Chà Lào, Pi Toong, Mường La cho biết: Ngày trước trồng cây ngô, cây sắn, hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ thu được 2-3 triệu thôi. Sau này gia đình tôi đã học tập những mô hình trồng cây ăn quả trên báo đài, đi thăm quan 1 số địa phương thì thấy trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế rất cao nên chúng tôi đã quyết định trồng cây ăn quả và đã được thu hoạch 2 năm nay rồi, tiềm năng phát triển hơn nhiều so với cây ngô, cây sắn".
Tại xã Pi Toong, những mô hình khởi nghiệp từ cây ăn quả xuất hiện ngày càng nhiều, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ. Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, gia đình chị Xiến đã phát triển mô hình trồng cây ăn quả từ hơn chục năm trước. Với 2 loại cây chủ đạo là cây vải và cây nhãn, gia đình chị đã tập trung cải tạo giống mới, kết hợp bón phân và thuốc bảo vệ thực vật đầy đủ, khu vườn 2ha này mỗi năm cho thu hoạch gần 2 chục tấn quả  tươi. Bên cạnh đó gia đình chị Xiến kết hợp chăn nuôi bò, lợn gà, trung bình mỗi năm thu nhập từ 150-200 triệu đồng. 
Chị Lường Thị Xiến – Bản Núa Trò, Pi Toong, Mường La cho biết: " Vườn cây ăn quả này ông bà đã trồng từ năm 2008, sau đó chúng tôi tiếp quản và trồng thêm nhãn, vải. Đến năm 2018 thì tiến hành lai ghép giống nhãn mới năng suất cao hơn và tiến hành cắt tỉa cây vải hàng năm. Từ ngày tập trung phát triển cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi, kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn nhiều. Mỗi năm trừ chi phí khu vườn này thu về khoảng 80 triệu đồng".
Hiệu quả từ những mô hình trồng trọt và chăn nuôi đem lại, các cấp hội phụ nữ của huyện Mường La đã và đang tuyên truyền, vận động chị em đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp từ nông nghiệp. Tuỳ địa phương lựa chọn cách làm phù hợp, khuyến khích chị em phát huy bản tính cần cù, chịu khó, tận dụng các điều kiện sẵn có của địa phương để xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó tạo điều kiện giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
Chị Lường Thị Dinh – Chủ tịch Hội LHPN xã Pi Toong, Mường La cho biết:Hội LHPN xã Pi Toong đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên toàn xã gây quỹ ủng hộ, mỗi năm 200 nghìn đồng/hội viên để giúp đỡ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, để mua cây, con giống mới, phát triển sản xuất để hội viên có điều kiện phát triển. Phối hợp với ngân hàng CSXH để làm hồ sơ vay vốn cho hội viên, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo để hội viên mua bò giống, cây con giống, phát triển kinh tế gia đình".
Để có nguồn vốn giúp chị em có cơ hội khởi nghiệp, lập nghiệp, Hội LHPN huyện Mường La chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội quản lý tốt các nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức tín dụng, nguồn quỹ hội, quỹ tiết kiệm, tạo điều kiện cho chị em vay vốn với lãi suất thấp. Đến hết năm 2021, Hội LHPN huyện Mường La có 16/16 cơ sở nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH, với 72 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ trên 100 tỷ đồng với trên 2.500 hộ vay vốn. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Mường La tổ chức tuyên truyền thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn, thành lập 2 tổ vay vốn tại xã Ngọc Chiến, xã Mường Bú với tổng dư nợ 940 triệu đồng. Cùng với đó, các tổ chức cơ sở hội tiếp tục duy trì vận động các nguồn vốn tiết kiệm tại chi hội, phụ nữ tiết kiệm làm theo lời Bác, góp vốn xoay vòng, giúp chị em phụ nữ nghèo vay vốn lãi xuất thấp, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, giúp chị em phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Mỗi năm, Hội LHPN huyện phối hợp với các cấp, các ngành trao tặng 1-2 nhà mái ấm tình thương, trao tặng hàng chục mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo.
Bà Phạm Thị Hường – Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường La cho biết: "Trong thời gian thực hiện dự án của 5 năm qua giai đoạn 1 thì thấy rằng nhận thức của cán bộ hội viên phụ nữ đã có sự thay đổi, trong nhận thức về phát triển kinh tế gia đình, nhiều chị em đã mạnh dạn, tự tin, hòa đồng với xã hội để thực hiện các mô hình kinh tế, nhiều chị em đã mạnh dạn tham gia quản lý các mô hình phát triển ở địa phương như tham gia quản lý HTX, tham gia các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, nhiều chị em đã mạnh dạn sử dụng nguồn vốn tín dụng để phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương".
Là huyện miền núi của tỉnh, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, việc triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Khắc phục tình trạng này Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mường La đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em phát huy tinh thần tương thân tương ái, chủ động giúp đỡ nhau về ngày công, cây, con giống, giúp đỡ nhau chuyển giao khoa học kĩ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Sau 5 năm triển khai đề án đã có hàng nghìn lượt chị em phụ nữ được hỗ trợ về cây con giống, được tiếp cận, hỗ trợ về vốn vay phát triển kinh tế gia đình, khởi nghiệp, lập nghiệp, nhiều chị em đã thoát cảnh đói nghèo.
Bà Phạm Thị Hường – Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường La cho biết thêm:Hội LHPN huyện Mường La tiếp tục tham mưu cho cấp ủy huyện, chính quyền quan tâm đến các nội dung của Đề án và tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện triển khai tích cực các nội dung theo kế hoạch từng năm, gắn với công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hội viên phụ nữ trong việc nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế HTX, đặc biệt là giúp đỡ cán bộ phụ nữ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, nguồn vốn của Đề án và các chương trình tín dụng chính sách để hỗ trợ chị em phụ nữ trong việc hỗ trợ sinh kế và các mô hình kinh tế của phụ nữ".
Tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2 (2021-2025), các cấp hội phụ nữ của huyện Mường La tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phấn đấu mỗi cơ sở hội giúp đỡ từ 1-2 hội viên phụ nữ thoát nghèo và cận nghèo. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ cây, con giống, tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi giúp chị em có điều kiện để khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng./.

Tác giả: Trung tâm TT - VH huyện Mường La
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập