Tận dụng lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mường La có nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Những năm qua, huyện Nương·đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với chế biến, tiêu thụ, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp xanh, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư liên kết với các HTX thực hiện các dự án chăn nuôi, chế biến và sản xuất các sản phẩm nông sản, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Tập trung triển khai tốt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các HTX với doanh nghiệp.
UBND huyện và các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các hộ dân. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng giúp các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, in nhãn mác, mua bao bì mới đóng gói sản phẩm; tuyên truyền quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản, in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ phát triển nuôi lồng cá ở xã Ngọc Chiến...
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện trồng mới hơn 106,7 ha cây ăn quả (Xoài, Nhãn, Bưởi, Mít thái, Chuối) tại các xã Mường Bú, Nậm Giôn; tiếp tục chăm sóc 6.547,7 ha cây ăn quả hiện có và 2.500 ha cây Sơn tra. Sản lượng quả đạt 13.470 tấn đạt 40.82% so với kế hoạch (trong đó: Mận hậu 120 tấn, Xoài 4.800 tấn, Chuối 7.300 tấn; cây ăn quả khác 1.250 tấn ...). Tổng diện tích mã số vùng trồng toàn huyện gồm 25 mã, diện tích 633 ha gồm 5 mã nhãn, 8 mã xoài, 12 mã vùng trồng chuối.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Mường La đã và đang phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương. Để thực hiện nội dung này, huyện Mường La đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực; hỗ trợ thành lập HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, huyện còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa hình thức truyền thông, quảng bá thương hiệu. Hiện nay, toàn huyện đang duy trì, phát triển 10 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 hỗ trợ xây dựng và phát triển 03 sản phẩm mới Cá Chép gù Sơ chế, cá Chép gù Ngọc Chiến hun khói, xoài Hôi Mường La và đánh giá lại 01 sản phẩm thịt Bò hun khói. Tổ chức vận động, rà soát các sản phẩm có tiềm năng phát triển như: Thịt lợn một nắng, chuối lắc phô mai, trà táo mèo, rượu cần men lá để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, huyện Mường La tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Với ưu thế lòng hồ thuỷ điện Sơn La, huyện đẩy mạnh tuyên truyền phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ các công trình thuỷ điện, tập trung tại xã Chiềng Lao, Mường Trai, Nậm Giôn, Pi Toong, Ngọc Chiến. 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản khai thác, nuôi trồng ước đạt 439 tấn đạt 46,21% so với cùng kỳ (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 305 tấn, sản lượng khai thác thủy sản khác 134 tấn).Tổng diện tích ao, hồ nuôi cá trên địa bàn đạt 200 ha, số lồng cá đạt 1.050 lồng, đạt 98,13% kế hoạch giao. Sản phẩm thuỷ sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm với 284 lồng cá, Sản lượng ước đạt khoảng 183 tấn.
Thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản, nhất là quy trình sản xuất VietGAP, rà soát hỗ trợ cấp từ 2 đến 3 giấy chứng nhận VietGap, an toàn thực phẩm, chứng nhận hữu cơ cho các hợp tác xã sản xuất cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện. Tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của huyện; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển sản phẩm lợi thế. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tập trung tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thu hoạch, sơ chế, bảo quản cho lao động của các doanh nghiệp, HTX sản xuất tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, huyện Mường La đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của nông dân. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, sản phẩm an toàn. Thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư liên kết với các HTX nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường./.