Toàn tỉnh có trên 700 hợp tác xã
  Trong những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã dần trở thành nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn tương đương, phục vụ nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu. Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao vị trí, vai trò trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

  Toàn tỉnh có 579 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp

Tính đến 31/5/2021, tỉnh Sơn La có 714 hợp tác xã đang hoạt động với 32.548 thành viên. Trong đó, 579 hợp tác xã  dịch vụ nông nghiệp; 12 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; 17 hợp tác xã  xây dựng; 08 Quỹ tín dụng nhân dân; 96 hợp tác xã  thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ; 02 hợp tác xã vận tải. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 9.451 người (Trong đó: hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với 7.000 người; hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước với 516.200 người; hợp tác xã xây dựng 355 người; Quỹ tín dụng nhân dân với 128 người; hợp tác xã thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ với 1.422 người; hợp tác xã vận tải với 30 người). Doanh thu bình quân của hợp tác xã  đạt 1.500 triệu đồng, lãi bình quân hợp tác xã đạt 150 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã đạt 4 triệu đồng/tháng.

Việc phát triển các hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Hiện nay có 77,5% hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II), đặc biệt khó khăn (khu vực III). Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò là người cung ứng đầu vào cho sản xuất (Giống mới, phân bón, vật tư nông nghiệp, kiến thức khoa học kỹ thuật, các yêu cầu của sản xuất...), là nơi tiêu thụ nông sản sản xuất ra cho các thành viên hợp tác xã. Vận động người sản xuất nông sản, thủy sản sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng thị trường người tiêu dùng.

Một số hợp tác xã nông nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường đặt ra. Đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho trên 9000 người với mức thu nhập từ mức lương tối thiểu vùng trở lên; Góp phần thực hiện thắng lợi tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cơ bản được củng cố, từng bước cải cách và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong việc đăng ký kinh doanh, bổ sung đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã; Hợp tác xã đã tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị, mở mang thêm ngành nghề, tích cực huy động vốn, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Các hợp tác xã hiện nay có xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề nhằm hỗ trợ nhau, thể hiện sự phát triển bền vững, tính ưu việt và tính tích cực của hợp tác xã.

Nhờ việc tuyên truyền, vận động người sản xuất, các thành viên ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, dẫn đến đã hạn chế được việc sử dụng quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thực hiện nghiêm túc, bảo vệ được môi trường nước, không khí, tránh được xói mòn, rửa trôi, bạc màu đất.

Như Thủy

 

Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1