Lễ hội dòng họ (Tu Su) của người H'mông ​
  Lễ hội dòng họ (Tu Su) là lễ cúng giải hạn, cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ và dân bản. Lễ hội Tu Su là nghi lễ có tính chất tâm linh nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng tộc người sống trên một địa bàn. Đây là lễ nghi, là nhu cầu tâm linh của người dân trong một dòng họ trước vòng quay tuần hoàn của thiên nhiên, là niềm tin sâu đậm của người dân trước những bí ẩn của thiên nhiên để xin được giải hạn và cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình trong dòng họ.

Ảnh minh họa.

Lễ hội dòng họ  (Tu Su) của họ Mùa tại bản Cáy Ton, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La dân tộc H'mông (ngành H'mông trắng) thường được tổ chức vào một ngày nhất định trong năm và được tổ chức ở 2 cấp độ khác nhau. Cấp độ thứ nhất được tổ chức hàng năm, mỗi năm một lần tại bản Cáy Ton, xã Tú Nang huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La vào ngày 5/10 đến ngày 6/10 (tức ngày 28/8 đến 29/8 âm lịch). Cấp độ thứ hai được tổ chức 3 năm một lần tại bản Phiêng Ban, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 13/3 hoặc ngày 23/3 âm lịch.

Người H'mông tính theo lịch âm, họ quan niệm đây là những ngày xấu nhất trong năm nên Người H'mông cần tổ chức làm lễ cúng cầu may, giải hạn trong những ngày này.

Địa điểm tổ chức Lễ hội đối với cấp thứ nhất: Được tổ chức tại một gia đình (lễ cúng trong nhà): là người lớn tuổi, trưởng dòng họ trong bản. Cấp thứ hai được tổ chức ngoài trời tại một địa điểm ngoài phạm vi bản, nơi bãi rộng gần đường ra (hoặc vào) bản.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ gồm toàn bộ nam giới trong dòng họ, không kể già hay trẻ và phần hội cả bản cùng tham dự.

Lễ hội nhằm ôn lại truyền thống và đoàn kết thống nhất với từng cá nhân, từng gia đình trong dòng họ của bản, xã hoặc trong cộng đồng dòng họ về phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, các tập tục, các quy định tốt đẹp của dòng họ đã được hình thành, bảo tồn trong suốt quá trình lịch sử phát triển của cộng đồng dân tộc H'mông. Tổ chức Lễ hội dòng họ (Tu Su) là dịp tập trung, củng cố mối quan hệ cộng đồng trong cuộc sống. Là thông điệp chung của người dân trong dòng họ, trong bản, xã hoặc trong cộng đồng dòng họ gửi tới tổ tiên, thần linh (ma rừng, ma núi) cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để lao động, tăng gia sản xuất và tăng cường sự đoàn kết của mỗi cá nhân, gia đình trong dòng họ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Phần Lễ thường được tổ chức ngày 28/8 âm lịch. Ngày 28/8 là ngày đầu tiên tổ chức Lễ hội Tu Su; Tất cả các thành viên trong dòng họ (cả nam, và nữ) đều tham gia công tác chuẩn bị, một số công việc phải được hoàn thành trước khi lễ cúng diễn ra. Đây được gọi là lễ cúng trình. Lễ cúng này có thể diễn ra vào ban ngày hoặc ban đêm, dài hay ngắn tuỳ thuộc vào thầy cúng.

Lễ trình được bắt đầu trong ngày 28/8 âm lịch . Trước đó, người trong dòng họ sửa sang lại bàn thờ của thầy cúng một chút, nhưng tuyệt đối không được thay thế thứ gì trên bàn thờ và các loại giấy vì người H'mông chỉ trang trí lại bàn thờ một năm một lần vào tết H'mông. Lễ cúng này được thực hiện tại bàn thờ thầy cúng. Lễ cúng ngày 28/8 không có lễ vật, chỉ có bộ đồ cúng của thầy cúng được bày lên bàn thờ. Bắt đầu lễ cúng, thầy cúng đứng quay lưng vào bàn thờ, ba người đại diện cho dòng họ, mỗi người rót 2 chén rượu mời thầy cúng, nói lời nhờ thầy cúng . Uống rượu xong, thầy bắt đầu làm lễ, chủ nhà đốt một ít than củi dưới bàn thờ để thầy cúng hơ chiêng qua để đuổi tà ma trước khi cúng. Hơ chiêng xong, thầy cúng một tay cầm chiêng, một tay cầm dùi, bắt đầu vừa đánh chiêng vừa, cúng khấn. Chủ nhà đốt hương lên các bát hương trên bàn thờ của thầy cúng và bàn thờ tổ tiên.

Sáng ngày 29/8 âm lịch là lễ chính. Lễ cúng này cũng diễn ra tại bàn thờ thầy cúng, cạnh nơi thờ ma nhà (Xử Cang). Trước lễ cúng, ngay từ sáng sớm thầy cúng đã đi thăm tất cả các gia đình của dòng họ mùa ở trong bản để xem xét gia cảnh của các gia đình: gia đình giàu hay nghèo, có nuôi nhiều gia súc, gia cầm không, có ai ốm đau, tai nạn không... việc làm này là để đến khi thầy cúng cầu khấn thần linh cho chính xác. Ví dụ: nếu gia đình nào có người ốm thì thầy cúng xin thần linh cho được khỏi bệnh, gia đình nào khó khăn thì xin thần linh cho làm ăn được phát đạt... Những gia đình trong dòng họ mang gà và chỉ màu đến, cứ mỗi thành viên nam trong gia đình mang 03 sợi chỉ màu.

Lễ cúng ngày 29/8 được diễn ra liên tục từ 8 giờ sáng đến khi nào xong gồm 3 phần: phần cúng chung;  lần lượt cúng hết cho các hộ gia đình và cuối cùng là lễ cúng tiễn đưa các thần linh trở về. Lễ cúng phải kết thúc vào lúc nào là tuỳ thuộc vào thầy cúng.

Phần hội được tổ chức đan xen với phần lễ, ngoài các thành viên nam thì các thành viên nữ cũng tham gia vào lễ hội. Phần hội trong Lễ Tu Su được tổ chức với một số trò chơi dân gian, thể thao dân tộc và giao lưu văn nghệ với một số bản lân cận. Một số trò chơi dân gian thường tổ chức như: Ném pa pao, Rồng ấp trứng, đánh quay, giã bánh dầy, nhảy khèn… Bên cạnh đó tổ chức các môn thi đấu thể thao dân tộc thi bắn nỏ, đẩy gậy. Và tổ chức giao lưu văn nghệ.

Lễ hội Tu Su của dân tộc H'mông (ngành H'mông trắng) ở bản Cáy Ton, xã Tú Nang, Huyện Yên Châu là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt, một môi trường văn hóa đặc thù, một mảng màu rõ nét trên bức tranh văn hóa đa sắc màu các dân tộc Sơn La nói chung, dân tộc Hmông nói riêng. Lễ hội Tu Su chính là một hình thức thể hiện bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, nó chứa đựng tất cả những khát vọng, ước muốn tâm linh vừa trần tục vừa thiêng liêng, vừa thiết tha, mãnh liệt của dân tộc Hmông, một dân tộc có ý chí kiên cường trong đấu tranh với thiên nhiên với giặc ngoại xâm. Lễ hội Tu Su có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người, nó vừa là nhu cầu, là khát vọng của người dân, là dịp người dân giải toả mọi lo âu, những khao khát, ước vọng. Từ Lễ hội Tu Su ta thấy những biểu tượng điển hình của tâm lý cộng đồng dân tộc, nó chứa đựng những quan niệm của dân tộc H'mông với thực tế lịch sử, xã hội và tự nhiên.

Lễ hội Tu Su ở bản Cáy Ton xã Tú Nang Huyện Yên Châu là một trong những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc H'mông; Hạn chế các yếu tố tiêu cực, từ đó bảo tồn yếu tố dân tộc, gắn với các yếu tố tiên tiến hiện đại để phù hợp trong quá trình bảo tồn, khai thác, phát huy đạt hiệu quả tốt nhất phục vụ cho mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Diệp Hương

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Video tuyên truyền nông thôn mới
THÔNG TIN TRA CỨU

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1