GIỚI THIỆU CHUNG
Lượt xem: 420
1. Địa giới hành chính:
 Thị trấn Ít Ong được thành lập theo Nghị quyết số 03 ngày 08/01/2007 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh 2.193,2 ha diện tích đất tự nhiên và 13.895 người của xã Ít Ong; 766,8 ha diện tích tự nhiên và 2.258 người của xã Nặm Păm; 272 ha diện tích tự nhiên của xã Tạ Bú; 253 ha diện tích tự nhiên của xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu. Thị trấn Ít Ong nằm ngay trung tâm huyện lỵ Mường La, là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện, có đường Quốc lộ 279D đi qua. Phía Đông giáp với xã Chiềng San, huyện Mường La, Phía Tây giáp với xã Liệp Tè - huyện Thuận Châu, Phía Bắc giáp với xã Nặm Păm và xã Pi Tong - huyện Mường La, Phía Nam giáp với xã Tạ Bú, huyện Mường La.

 

2. Điều kiện tự nhiên:

- Tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Ít Ong là 4.094 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 1.196 ha, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 1.453 ha, có 78,44 ha đất trồng lúa nước, còn lại nhân dân trồng cây ăn quả, cây lương thực, rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Đất ở đô thị là 51, 89 ha. Đất chuyên dùng 671,32 ha.

- Thị trấn Ít Ong có con suối Nặm Păm chảy qua, đây là nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện đồng ruộng của thị trấn. Quan trọng hơn cả là thị trấn Ít Ong có dòng sông Đà chạy qua - là nơi có công trình thủy điện Sơn La (thủy điện lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại). Đem lại tiềm năng lớn cho thị trấn Ít Ong phát triển du lịch, dịch vụ.

3. Dân số - dân tộc (tính đến 31/3/2021):

- Thị trấn Ít Ong có 2.724 hộ, với 11.355 nhân khẩu.

- Thị trấn Ít Ong có 07 dân tộc cùng sinh sống, bao gồm: Thái, Kinh, Mông, Kháng, Mường, La Ha, Tày. Trong đó dân tộc Thái và dân tộc Kinh là chủ yếu.

Nhân dân các dân tộc thị trấn Ít Ong luôn có tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; thành phần kinh tế và ngành nghề tương đối đa dạng như: trồng lúa nước, trồng ngô, sắn, các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh, buôn bán. Nhìn chung đời sống kinh tế của bà con nhân dân đều khấm khá, ổn định. Tính đến 31/12/2020 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 8,55%.

4. Các đơn vị dân cư:

Thị trấn Ít Ong gồm 16 bản, tiểu khu. Trong đó có 06 bản, 10 tiểu khu:

- Bản Nà Lốc

- Bản Nong Heo

- Bản Chiềng Tè

-Bản Nà Tòng

- Bản Nà Lo

- Bản Nà Nong

- Tiểu khu Nang Cau

- Tiểu khu Hua Ít

- Tiểu khu Phiêng Tìn

- Tiểu khu Mé Lìu

- Tiểu khu Ít Bon

- Tiểu khu I

- Tiểu khu II

- Tiểu khu III

- Tiểu khu IV

- Tiểu khu V.

5. Di tích, danh lam, thắng cảnh, du lịch:

Khi du khách đến với thị trấn Ít Ong, dù là đi bằng phương tiện ô tô hay xe máy, khi chuẩn bị đặt chân lên địa phận thị trấn Ít Ong du khách đã thấy hiện lên trước mắt mình ở phía xa xa là một rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt. Đó chính là rừng cây cao su Phiêng Tìn. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được một không gian thoáng đãng, mát mẻ dưới những tán cây cao su, cùng nhau chụp những bức hình tuyệt đẹp.

        

Vườn cây cao su tiểu khu Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong

 

Thị trấn Ít Ong là nơi có công trình thủy điện Sơn La – thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, du khách có thể đến tham quan nhà máy thủy điện và du thuyền vùng lòng hồ để ngắm khung cảnh hồ nước hiền hòa, mênh mông, kỳ vĩ. Vẻ đẹp thiên nhiên của lòng hồ được ví như một bức tranh thủy mặc vô cùng sống động và huyền ảo.

        

        

Công trình nhà máy thủy điện Sơn La.

 

Ngoài tham quan nhà máy thủy điện và du thuyền lòng hồ, du khách có thể di chuyển lên ngắm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, đầy bí ẩn của di tích khảo cổ học hang Co Noong chắc chắn sẽ mang lại cho du khách nhiều điều lý thú.

Hang Co Noong (còn gọi là hang Con Moong) nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Ít Ong, cách đập thủy điện khoảng 200 mét, trên dãy núi trùng điệp nhấp nhô uốn mình tạo thành 7 khúc, cửa chính của hang quay về hướng Đông Nam nhìn xuống Sông Đà và có một cửa nhỏ quay về phía Tây Bắc. Từ bờ Sông Đà đi lên dốc thoải, qua một khu rừng già khoảng 200m là tới cửa hang, đứng tại cửa hang với độ cao ở đây sẽ quan sát được một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ. Nhìn hướng nào cũng thấy một bức tranh toàn bích hiện ra: phía xa là một ngọn núi hình con rồng uốn mình theo Sông Đà; phía dưới chân núi là dòng sông Đà xanh biếc hòa cùng cảnh sông, núi, mây, trời càng khiến vẻ đẹp ở nơi đây thêm lộng lẫy.

Cửa hang Co Noong

 

Từ cửa hang Co Noong nhìn xuống ngắm khung cảnh non sông hùng vĩ

 

Cửa hang chính quay về hướng Đông - Tây, cửa có độ rộng 15m, cao 7m ở giữa có hòn đá to chắn tạo thành 2 ngách cửa. Khi bước vào trong lòng hang ta sửng sốt thấy cảnh đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Lòng hang có hình tròn như một tổ ong, vòm hang cao tới 20m, trần hang có đủ mọi hình dáng và kích thước của các thạch nhũ, ở giữa có thạch nhũ hình tổ ong lớn, xung quanh có những thạch nhũ nhỏ như những con ong lấm tấm đang miệt mài xây tổ. Khối nhũ đá hình tổ ong có những thạch nhũ với hình dáng uốn lượn, nhấp nhô, mềm mại tựa như những đám mây đang bay trên bầu trời và những bức phù điêu bằng thạch nhũ được trang trí trên vòm hang tuyệt đẹp như những tác phẩm điêu khắc được tạc bằng đôi bàn tay mầu nhiệm của một nhà điêu khắc thiên tài.

        

Trong lòng hang với những lớp thạch nhũ đầy đủ hình hài, màu sắc

Sau khi tham quan thủy điện, khám phá hang Co Noong du khách sẽ tiếp tục quay ngược về trung tâm thị trấn và đến với tiểu khu Hua Ít để tìm hiểu, khám phá di tích lịch sử kháng chiến đồn Pom Pát, sau đó là tắm ngâm mình trong làn nước ấm áp, trong vắt của suối khoáng nóng và thưởng thức các món ăn ẩm thực đặc trưng của dân tộc Thái.

     

Một góc di tích lịch sử kháng chiến đồn Pom Pát

Hành trình đến thị trấn Ít Ong với nhiều điểm vui chơi, khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên cùng với sự thân thiện, gần gũi của người dân nơi đây, chắc chắn sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm lý thú, khó quên./.

Tác giả: Cổng TTĐT thị trấn Ít Ong
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập