Mường La chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương
Bắt đầu triển khai từ năm 2019 đến nay, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Sơn La đã giúp nhiều sản phẩm thế mạnh của tỉnh khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Tại huyện Mường La, chương trình này đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chương trình OCOP được tỉnh Sơn La xây dựng với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của từng vùng, hướng đến hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Tại huyện Mường La, thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đã đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất đăng ký tham gia chương trình. Bên cạnh đó, có cơ chế và chính sách thông thoáng thu hút các Công ty, Doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để quy hoạch vùng sản xuất, bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực địa phương.

Tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu – dược liệu Mường La là sản phẩm đầu tiên của huyện được xếp hạng OCOP năm 2019. Việc được công nhận đạt OCOP đã mở ra triển vọng cho cây sả Java phát triển bền vững hơn tại xã Pi Toong nói riêng, huyện Mường La nói chung. Mặt khác, giúp HTX nâng tầm thương hiệu và mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hiện toàn xã Pi Toong có khoảng 100ha diện tích trồng sả java, lá sả sau thu hoạch được HTX đứng ra thu mua toàn bộ với giá dao động từ 1.600 đồng – 2.000 đồng/kg để chiết xuất tinh dầu. Nhờ sự liên kết này, hợp tác xã có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ trồng sả.

Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến – sản phẩm du lịch đầu tiên được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh. Nằm cách TP. Sơn La khoảng 80km về phía đông bắc, ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến được ví như “Đà Lạt” của vùng Tây Bắc, những năm gần đây, điểm đến Ngọc Chiến của huyện Mường La đang được ngày càng nhiều người biết và ghé thăm, nhất là vào các kỳ nghỉ lễ hay những ngày nghỉ cuối tuần, bởi những nét đặc trưng riêng có. Đó là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, thời tiết trong lành, mát mẻ, là sự hiếu khách của người dân, là không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang được bà con lưu giữ, bảo tồn và phát huy.... 

Với những tiềm năng và thế mạnh đó, tháng 7/2020, huyện Mường La đã phối hợp với Tổ chức Actiom Poverty Việt Nam khai trương mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Chiến, bước đầu mô hình đã đem lại lợi ích về kinh tế và xã hội cho nhân dân trong xã, đây cũng là cơ sở cho việc phát triển du lịch của Ngọc Chiến trong thời gian tới. Ngoài ra, để kích cầu phát triển du lịch của tỉnh, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức Chương trình khảo sát và Hội thảo xây dựng điểm đến du lịch huyện Mường La, huyện Bắc Yên năm 2020. Hội thảo đã thu hút trên 50 doanh nghiệp lữ hành trong nước tham gia, đã mở ra cơ hội để các điểm du lịch kết nối với các chuyên gia, đơn vị lữ hành; đồng thời tăng cường cơ hội liên kết, xây dựng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong nước.

Tại Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La năm 2020 vừa  được tổ chức mới đây, trong số các sản phẩm được Hội đồng đánh giá đạt OCOP cấp tỉnh năm 2020, huyện Mường La vinh dự có 3 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao, và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay, Mường La có 5 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên, gồm: sản phẩm tinh dầu sả Pi Toong; thịt bò hun khói Thị trấn Ít Ong, táo đại Mường Bú, gạo nếp tan xã Ngọc chiến và điểm du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến. Các sản phẩm đạt sao OCOP là động lực để địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng tầm sản phẩm giá trị hàng hóa nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Tại huyện Mường La, việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã và đang tạo cơ hội cho người dân địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trung tâm Truyền thông – Văn hóa

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập