Mường La: Phát huy hiệu quả mô hình thư viện xanh – không gian vui học cho học sinh
Hiện nay một bộ phận giới trẻ đang dần quên những cuốn sách, mà thay vào đó là tìm đến các phương tiện hiện đại để giải trí như: mạng internet, điện thoại thông minh... Trước thực tế đó, ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Mường La đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Thư viện xanh” và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị trường, qua đó góp phần đưa sách đến gần hơn với học sinh, phát triển văn hóa đọc, hướng đến mục tiêu "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trên địa bàn huyện.

Thư viện xanh của Trường TH – THCS Mường Trai được hình thành từ năm học 2016 – 2017 (năm học đầu tiên sau thực hiện sáp nhập từ Trường Tiểu học Mường Trai và Trường THCS Mường Trai). Thư viện có diện tích rộng khoảng 85m², được bố trí ở khu vực thoáng đãng, có nhiều bóng mát cây xanh, với những chiếc chòi lá, xích đu và ghế đá được kê, lắp phục vụ nhu cầu của học sinh đến đọc sách, và thư giãn sau mỗi giờ học. Ngoài ra, các giỏ hoa, cây cảnh cũng được trang trí ở các góc trong khuân viên nhằm tạo không gian đọc sách mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, giúp học sinh “học mà chơi - chơi mà học”. Hiện, thư viện xanh đang có trên 5.000 cuốn sách giáo khoa, hơn 1.000 cuốn truyện, tạp chí, báo và hơn 600 sách tham khảo các loại. Hiện mô hình thư viện xanh của nhà trường đang thu hút 90% học sinh trong trường đến đọc sách.

Trường TH – THCS Mường Trai hiện có 15 lớp học, gần 400 học sinh, với 100% học sinh là người dân tộc Thái và dân tộc La Ha. Đối với các em học sinh bán trú hay ở trọ quanh trường, đây không chỉ là nơi các em tìm đến để học bài, mà còn là nơi vui chơi, giải trí, rèn luyện tính tự giác trong thời gian học tập xa nhà. Để mô hình thư viện xanh thực sự phát huy hiệu quả, công tác quản lý thư viện cũng được nhà trường chú trọng quan tâm.

Hiện trên địa bàn huyện Mường La có 10 đơn vị trường TH; TH – THCS đã triển khai xây dựng mô hình thư viện xanh. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá trường học “xanh - sạch - đẹp – an toàn”. Qua thời gian đi vào hoạt động, mô hình đã, đang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, phát triển tư duy...., giảm căng thẳng sau mỗi giờ học trên lớp, nhất là đối với các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, để học sinh thực sự ham học, ham đọc, biết trân quý những giá trị tri thức học được qua sách, báo. Hàng năm, tại huyện Mường La, các đơn vị trường cũng thường xuyên tổ chức Ngày hội đọc sách, với nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức trong khuôn khổ chương trình.

Hiện toàn huyện Mường La có tổng số 43 đơn vị trường với trên 32 nghìn học sinh, mô hình thư viện này đang được ngành Giáo dục & Đào tạo huyện chủ trương nhân rộng, bởi đã mở ra cho học sinh chân trời tri thức mới, đồng thời giúp các em hình thành thói quen tự học, tự đọc, chủ động tiếp cận kiến thức, qua đó cũng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường. 

Từ những hiệu quả bước đầu đạt được qua triển khai mô hình thư viện xanh, trong những năm học tới, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Mường La xác định tiếp tục nhân rộng, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thư viện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng thư viện trường học để thu hút ngày càng đông đảo học sinh đến đọc sách..., góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách, phát triển văn hóa đọc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh mỗi khi đến trường, tiến tới xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các nhà trường.

Trung tâm Truyền thông - Văn hóa

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập